Bản đồ sáng kiến

Bản đồ sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc

Trả lời phỏng vấn CNBC, ông Marc Merlino, Giám đốc quản lý các chi nhánh toàn cầu của Citibank, cho biết OBOR mang đến những cơ hội không chỉ cho các ngân hàng mà cả các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Đối với các nhà đầu tư, ông Merlino nhấn mạnh đến cơ sở hạ tầng và các hoạt động xung quanh các dự án lớn của sáng kiến OBOR. "Đây là cơ hội đầu tư cơ sở hạ tầng vi mô, bên cạnh các dự án cốt lõi. Ngoài ra, OBOR còn mang lại nhiều hiệu ứng tích cực, chẳng hạn nếu xây dựng đường sắt, sẽ có rất nhiều hàng hóa được vận chuyển”, ông Merlino cho biết.

Theo một báo cáo mới đây do Viện nghiên cứu Nomura công bố, các dự án mới sẽ tạo ra nhu cầu về hàng hóa và cơ sở hạ tầng. Điều đó sẽ mang lại lợi ích cho cả các ngân hàng và công ty môi giới.

Báo cáo của Nomura đã trích dẫn số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư 14,4 tỷ USD vào các dự án liên quan đến OBOR trong năm 2017 - chiếm 12% tổng đầu tư của Trung Quốc sang các nước khác. Đến nay hơn 7.200 hợp đồng mới về các dự án liên quan đến sáng kiến này đã được ký kết với tổng trị giá 144,3 tỷ USD.

Các ngân hàng có vai trò trong giai đoạn xây dựng ban đầu và huy động vốn vay dài hạn, nhưng Citibank cũng đã dành rất nhiều nguồn lực để hỗ trợ các công ty đa quốc gia tham gia vào sáng kiến này.

Điều này diễn ra bất chấp những rủi ro liên quan đến sáng kiến khổng lồ này. Một nghiên cứu của Nomura được công bố vào tháng 3 vừa qua cho thấy, rủi ro nợ ở 8 quốc gia có liên quan đã tăng lên khi họ tham gia vào OBOR. Trên thực tế, 23 trong số 68 quốc gia liên quan đến OBOR được xác định là những nước vay vốn tiềm năng đang có nguy cơ nợ xấu khá cao.

"Các dự án cơ sở hạ tầng có thể phải đối mặt với thời gian hoàn vốn dài, lợi nhuận không chắc chắn và rủi ro vỡ nợ tiềm ẩn do những rủi ro pháp lý hoặc chính trị trong nền kinh tế của quốc gia nhận tài trợ, làm tăng rủi ro tài chính cho thực thể đầu tư từ Trung Quốc hoặc các nước khác”, báo cáo của Nomura nói.

Tuy nhiên, ông Merlino nói rằng, bất chấp những cảnh báo như vậy, các ngân hàng vẫn có khả năng đối phó với những rủi ro lớn này.

"Tôi cho rằng rủi ro liên quan đến việc xây dựng các dự án lớn đã được các ngân hàng hiểu rõ. Tuy nhiên, các ngân hàng luôn sẵn sàng cho những trường hợp như vậy và có phương án để đối phó”, ông Merlino cho biết.

Sáng kiến OBOR được Trung Quốc đưa ra nhằm kết nối châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi bằng mạng lưới giao thông và vận tải khổng lồ, sử dụng đường bộ, cảng, đường ray, đường ống, sân bay, lưới điện xuyên quốc gia và thậm chí cả các tuyến cáp quang. Đây được xem như một nỗ lực của Trung Quốc để xây dựng một vùng kinh tế và chính trị có ảnh hưởng rộng lớn.